Đai hội TW Đoàn

LỢI ÍCH CỦA HẠ SỐT ĐÚNG CHO TRẺ EM || COVID-19

10/03/2022



Thân Gửi Quý Phụ huynh!

Nếu Omicron có vẻ như làm nhiều người lớn đau rát họng thì ở trẻ em là sốt cao và co giật do sốt.

Các bác sĩ cấp cứu nhi thống kê không chính thức rằng, đợt dịch này, đa số trẻ đi cấp cứu ban đêm vì co giật kèm sốt có kết quả dương tính với SARS-COV-2.

Vậy là, dù Covid ở trẻ em ít khi diễn biến nặng, nhưng kiểm soát sốt là một bài toán khó! Khó như với cúm A vậy: sốt cao, khó hạ và dễ khởi phát co giật ở trẻ dưới 5 tuổi hoặc trẻ đã có tiền sử co giật do sốt. Sốt cao còn làm trẻ mệt lử, ăn kém, mất nước và khó đánh giá dấu hiệu nặng!


* HẠ SỐT CHO ĐÚNG - dù nói bao lần vẫn cứ là khó nhớ, nhất là khi tâm trí cha mẹ đã rối bời.


* LỢI ÍCH CỦA HẠ SỐT ĐÚNG
1. Trẻ đỡ mệt, ăn uống tốt, không mất nước, nhanh hồi phục, giảm nguy cơ nhập viện
2. Dự phòng co giật do sốt, giảm nguy cơ nhập viện
3. Đánh giá được yếu tố khác chính xác hơn (lơ mơ, li bì, mạch nhanh hoặc thở nhanh)
4. Giảm hại gan, thận khi biết dùng đúng liều đúng cách
5. Giảm căng thẳng, rối trí cho cha mẹ


* HƯỚNG DẪN MUA SẴN HẠ SỐT
ngay khi bắt đầu chăm sóc trẻ tại nhà
1. Paracetamol
- Các tên thương mại phổ biến như Hapacol, Efferalgan*
- Hàm lượng phổ biến là 80mg, 125mg, 250mg, 300mg và 500mg
- Mua dạng đơn chất - tức là gói/viên thuốc chỉ có Paracetamol, không kèm các dược chất khác
- Phù hợp với cân nặng của con, ví dụ: dưới 10kg mua loại 80mg, 10-15kg mua loại 125/150mg, 20-25kg mua loại 250mg/300mg
- Mua sẵn cả dạng viên đạn và để sẵn vào ngăn mát tủ lạnh. Viên đạn phổ biến là 80mg, 300mg, 150mg. Nhớ là có thể cắt bớt viên đạn trước khi đặt để chuẩn liều.
- Mua đủ dùng cho 3 - 5 ngày.
2. IBUPROFEN
- Tên thương mại phổ biến: Sotstop, Brufen, A.T. Ibuprofen*
- Hàm lượng hay gặp: 100mg/5mL
KHÔNG được khuyên dùng ngay từ đầu, chỉ mua để dự phòng sốt cao khó hạ trong đại dịch!
- Không cần mua nhiều, chỉ cần mua 1 lọ hoặc vài ống để DỰ PHÒNG
>> Đừng quên mua Depakine nếu đã có tiền sử co giật do sốt và được bác sĩ kê đơn Depakin uống trong những ngày sốt!
* HƯỚNG DẪN (LẠI) VỀ CÁCH DÙNG
1. Paracetamol
- Hại gan
- Liều dùng: 12 mg/kg/lần
- Khoảng cách giữa 2 lần: 4-6 tiếng.
Tức là số miligam mỗi lần con uống = số cân nặng hiện tại nhân với 12
- Quá nửa số trẻ “sốt cao khó hạ” là do cho uống thiếu liều!
>> Nếu trẻ nôn, quấy khó uống hoặc sốt khi đang ngủ: đút đít viên đạn với liều phù hợp (nếu thừa, hãy ước lượng để cắt bớt viên đạn).
2. Ibuprofen 100mg/5mL
- Hại thận
- Liều dùng: 10mg/kg/lần
- Khoảng cách giữa 2 lần uống: 6 tiếng
- Cách tính nhanh: Cân nặng trừ 1, sau đó chia đôi, ra số mililit uống mỗi lần
>> Luôn xin ý kiến BS trước khi dùng, liều tính nhanh này chỉ dùng khi cấp bách.
*️!! Chú ý chú ý: Nếu phải dùng xen kẽ, xin nhớ rằng hai thuốc này sẽ cách RIÊNG nhau giữa các liều, không liên quan đến nhau. Lần uống Paracetamol sẽ cách 4h với lần sau uống Paracetamol. Lần uống Ibuprofen sẽ cách 6h với lần sau uống Ibuprofen.


* XỬ TRÍ SỐT CAO KHÓ HẠ (linh hoạt trong bối cảnh dịch bệnh)
Khi trẻ sốt trên 38,5 độ C (hoặc 38 độ C với trẻ mệt quấy hoặc có tiền sử co giật do sốt), bố mẹ hãy:
1. Uống hạ sốt Paracetamol
2. Chườm ấm nách, bẹn (nếu trẻ không khó chịu khi lau nước)
- Chờ 30 phút - 1 tiếng
▶- Đo lại
- Hạ sốt tốt: OK, theo dõi tiếp
- Không hạ hoặc tăng cao hơn: gọi bác sĩ ngay.
- Không gọi được bác sĩ: cho uống 1 liều Ibuprofen đúng liều như trên.
- Theo dõi thêm 1 tiếng.
>> Đo lại
- Hạ sốt tốt: OK, theo dõi tiếp, chờ đến sáng để gọi lại bác sĩ xin ý kiến.
- Không hạ hoặc tăng cao hơn: gọi bác sĩ ngay và chuẩn bị đi viện.


*** NẾU CON CO GIẬT!!! THÌ…
>> Bình tĩnh đặt con xuống giường hoặc sàn phẳng, tránh ngã, va đập vào đồ vật xung quanh
>> Không ghì giữ trẻ
>> Không nhét tay, đũa, khăn vào miệng trẻ
>> Sau khi hết cơn, chú ý cho trẻ nằm nghiêng bên đề phòng nôn trớ
>> Nếu sờ thấy nóng hoặc hơi nóng, đút đít 1 viên đạn Efferalgan (đúng liều) ngay vì sẽ sốt tăng rất nhanh
>> Phải cho trẻ uống / đút đít thuốc hạ sốt trước khi tới viện
>> Nếu cơn co giật kéo dài, trẻ tím tái hoặc ngừng thở: hà hơi thổi ngạt ép tim ngay
>> Đưa trẻ tới bệnh viện (kể cả với trẻ đã có tiền sử co giật do sốt)


Hi vọng qua bài viết này, các phụ huynh sẽ ôn lại một lần nữa các bước hạ sốt an toàn để chuẩn bị đủ, xử trí đúng nha!

News relate